Giải thích các thông số chuột máy tính
Mục lục bài viết
Việc chọn mua chuột máy tính không chỉ dựa vào giá cả hay thương hiệu, mà còn cần cân nhắc đến kiểu kết nối, trọng lượng, DPI, tần số phản hồi và loại pin. Bài viết dưới đây sẽ phân tích chi tiết từng yếu tố để bạn dễ dàng đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Chế độ kết nối
3 kiểu kết nối chuột với máy tính:
- Kết nối không dây (wifi)
- Kết nối không dây (bluetooth)
- Kết nối có dây
"Tiền nào của nấy" không hoàn toàn chính xác trong hoàn cảnh này. Hầu hết các sản phẩm chuột máy tính rẻ nhất trên thị trường là chuột máy tính có dây gắn liền - lại là một trong những dòng sản phẩm đáng tin cậy, thông số khủng và bền bỉ nhất. Giữa giá trị sử dụng và tiện ích, chuột máy tính có dây có giá trị sử dụng rất cao so với giá, vì sản xuất đơn giản, nhà sản xuất không cần đầu tư cho pin, không cần chip wifi/bluetooth.
Nếu so sánh về cùng giá trị sử dụng, một con chuột không dây cùng "năng lực" có thể có giá chênh lệch đến hơn 2 lần so với một con chuột có dây. Cái giá ấy để đổi lấy... độc lập tự do, không vướng víu. Nhưng nếu bạn phải lăn tăn khi lựa chọn thì chỉ cần nghĩ về việc từ thời có máy tính đến nay, người ta vẫn dùng chuột có dây, từ thời hoàng kim của những con chuột quán net, ai cũng thích chuột có dây cả, ấy là một thói quen. Và khác với chuột không dây, phải chú ý pin, sạc, chế độ kết nối... chuột dây cứ cần là có, cắm là dùng.
Xem thêm bài viết: Những mẫu chuột có dây ấn tượng nhất thời điểm hiện tại
Tuy nhiên trong điều kiện xu hướng mọi người sử dụng laptop, máy tính bảng và thường xuyên phải di chuyển, chuột có dây có một điểm yếu chí mạng là phải tháo/lắp, dễ bị xoắn dây, dây bị xoắn/vặn có thể đứt gãy sau một thời gian dài sử dụng.
Đối với dòng chuột không dây, thường chia làm 2 nhóm:
- Nhóm chuột bình dân/văn phòng.
- Nhóm chuột cao cấp/game thủ.
Nhóm chuột bình dân/văn phòng không chú trọng về khối lượng. Nhà sản xuất thường cho phép sử dụng pin AA hoặc AAA để người dùng tùy ý thay đổi dễ dàng (loại pin này giảm chi phí sản xuất so với pin lipo, và về phía người dùng, thời lượng sử dụng cũng lâu hơn, nếu hết pin có thể thay và sử dụng ngay không cần chờ đợi/cắm dây). Tiện nghi hơn nữa, chuột có thể có thêm tính năng kết nối đa thiết bị, khả năng kết nối vừa wifi, vừa bluetooth...
Xem thêm bài viết: Những mẫu chuột văn phòng ấn tượng nhất thời điểm hiện tại
Nhóm chuột cao cấp/dành cho game thủ là sân chơi chạy đua gắt gao giữa các hãng sản xuất khi họ nỗ lực để tạo ra sản phẩm nhẹ nhất (cạnh tranh từng gram), nhưng vẫn đảm bảo chắc chắn, thiết kế đẹp, pin khủng & tần số phản hồi cao - điều các gamers rất chú ý. Khác với nhóm chuột văn phòng, dòng chuột game thủ cao cấp thường bỏ qua bluetooth (chậm) và chỉ tích hợp 2 chế độ kết nối nhanh nhất: cắm dây (kèm sạc) và không dây qua adapter wifi.
Xem thêm bài viết: Những mẫu chuột cao cấp nổi bật 2025
Nếu bạn sử dụng máy tính bàn hoặc không quá lo lắng về việc tháo lắp/bảo quản khi di chuyển, chi phí thấp, bạn có thể tham khảo các mẫu chuột có dây.
Nếu bạn thường xuyên phải di chuyển, chi phí eo hẹp, bạn nên chọn dòng chuột không dây phổ thông/văn phòng.
Trải nghiệm
Chúng ta không chọn 1 con chuột vì nó... mạnh. Chúng ta chọn chuột vì quen thuộc với cảm giác và trải nghiệm.
Đó là lý do mà chúng tôi đặt mục này quan trọng thứ 2 trong bài viết, sau nhu cầu sử dụng của bạn được đề cập ở mục trước.
Cuộc chiến thông số của chuột máy tính giữa các nhà sản xuất đã gần đi đến bão hòa. Khi chọn chuột máy tính, người mới có thể "lạc lối" giữa muôn trùng thông số được quảng cáo, nhưng thiết kế của chuột mới thực sự là thứ mà người ta gắn bó sử dụng nhiều năm tháng sau đó.
- Con chuột nhẹ nhất thị trường hiện tại mà chúng ta có thể tìm thấy nặng khoảng 40 gram, nhưng hầu hết người dùng đều cảm thấy thoải mái với 100 - 120 gram, cá biệt, những game thủ "tay to" hoặc người dùng văn phòng cần nhiều phím chức năng có thể dùng chuột 200 gram.
- Mức DPI được nhà sản xuất công bố khủng nhất hiện tại là hơn 50.000 DPI, và khi bạn đọc bài viết này, có lẽ con số đã cao hơn nhiều... nhưng hầu hết người dùng hài lòng với 800, 1600 hoặc 3200 DPI.
- Tốc độ phản hồi (polling rate) cao nhất thị trường hiện tại đã vượt 8k, nhưng 500 và 1k vẫn là tốc độ được ưa chuộng.
Những thông tin trên đưa ra là để khẳng định lại một điểm: chúng ta chọn chuột vì nhu cầu & trải nghiệm mà chúng ta ưa thích, thông số không có nhiều ý nghĩa như nhiều người nghĩ.
Trải nghiệm là tiêu chuẩn của mỗi cá nhân, không có barem chung. Muốn biết mình có thực sự thích không, bạn phải tự thử.
Xem thêm bài viết: Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm chuột
Trọng lượng
Hiện trên thị trường, xét về độ nhẹ của chuột, có 3 nhóm chính:
- Nhóm chuột phổ thông - thường là khoảng 90 - 110 gram. Nhóm này nhắm đến người dùng mua và dùng thôi, họ không quan tâm nó nặng bao nhiêu.
- Nhóm chuột thể thao điện tử - siêu nhẹ. Dành cho nhóm đối tượng game thủ chuyên nghiệp 5 - 16 giờ/ngày, spam khoảng trăm ngàn clicks, di chuột hàng km/ngày... hoặc đơn giản là "chúng tôi thích nhẹ". Nhóm này thường là dưới 80 gram, trung bình, dòng chuột game thủ trung cấp hiện đang giao động trong khoảng 55 - 65 gram, các sản phẩm đình đám nhất đã đạt ngưỡng 40 gram.
- Nhóm chuột... cá biệt - siêu nặng. Đây là những con chuột cá biệt của thị trường, thường trên 115 gram. Những người dùng văn phòng, nhà thiết kế hoặc game thủ moba cần nhiều nút chức năng, và thậm chí game thủ FPS thích chính xác sẽ thích kiểu chuột nặng này. Cá biệt nhất thị trường xưa nay có lẽ là Logitech G502, được hãng trang bị tạ gắn, tối đa thể lên đến 140 gram.
Các nhà sản xuất đều hướng tới mục tiêu sản xuất chuột nhẹ hơn, nhưng ở phía người dùng, bạn chỉ cần chọn một trọng lượng mà bạn cảm thấy thoải mái, yếu tố trọng lượng thực tế sẽ được quen dần theo thời gian.
DPI
Càng ngày, chuột máy tính càng được tăng số DPI cao hơn. Các sản phẩm trung cấp trên thị trường hiện nay đã được trang bị lên đến hơn 51k DPI, nhưng bạn không cần quan tâm đến thông số này.
Đây là một thông số rất dễ gây hiểu lầm khi các dòng sản phẩm cao cấp hơn thường có DPI cao hơn, nhưng thực tế, DPI không liên quan gì đến "tốt hơn" hay "mạnh hơn" cả. DPI là một thông số tùy vào thói quen của người dùng, trong đó, hầu hết người dùng có dải DPI quen thuộc nằm trong vùng 400 - 3200:
- 400 - 3200 với màn hình HD
- 800 - 6400 trên màn hình 2K
- Dưới 16.000 cho màn hình 4K
Bạn chỉ cần 1 con chuột có dải DPI quen thuộc với bạn, bạn không cần DPI siêu khủng. Để hiểu hơn về DPI, xem thêm bài viết: giải thích thông số DPI trên chuột máy tính.
Tần số phản hồi
Tần số phản hồi là số lần chuột gửi dữ liệu vị trí của nó về máy tính trong một giây. Đơn vị đo là Hz (Hertz).
Vậy tần số phản hồi ảnh hưởng thế nào đến trải nghiệm sử dụng? Bạn chỉ cần hiểu tương đối đơn giản trong một ví dụ: khi bạn chơi game online, độ trễ kết nối (ping) thường là 20 - 32 ms, nghĩa là một hành động khi bạn thực thi mất khoảng 32 mili-giây thì máy chủ nhận được tín hiệu. Với độ trễ 32 ms, hầu hết các trò chơi đều rất mượt mà. Như vậy mức độ (delay) chấp nhận được là dưới 32 ms.
Hầu hết các dòng chuột hiện nay đều có tần số phản hồi 250 - 1000 Hz tương đương với độ trễ 1 - 4 ms, nghĩa là hầu như không trễ. Như vậy bạn cũng không cần quá lo lắng về tần số phản hồi khi chọn mua chuột, và đặc biệt là hầu hết các dòng chuột có dây tầm trung cấp đều có tần số phản hồi nhanh (1000 Hz), các dòng chuột không dây trung cấp đều có ít nhất tần số phản hồi khoảng 250 Hz.
Để thấy rõ được sự khác biệt giữa tần số phản hồi cao và thấp, bạn cần màn hình với tần số quét trên 165 Hz và chơi một tựa game hành động. Ngược lại, trong điều kiện sử dụng thông thường, khác biệt là hầu như khó nhận thấy.
Dung lượng pin và loại pin
Chuột không dây hiện nay được trang bị 2 loại pin: loại pin có thể thay thế và pin sạc liền.
Loại pin có thể thay thế, thường là pin AA hoặc AAA. Thời lượng sử dụng của loại pin này thường vào khoảng 1 - 3 tháng. Cá biệt, nếu sử dụng pin dung lượng cao cho mẫu chuột tối ưu thời lượng sử dụng (như Logitech G304), thời lượng sử dụng có thể lên đến 1 năm không cần thay pin.
Không chỉ có thời lượng pin cao, khi hết pin, bạn hoàn toàn có thể tháo pin cũ và lắp pin mới, hoàn toàn không cần thời gian chờ sạc, không gián đoạn sử dụng. Thậm chí kể cả khi không có sẵn pin để thay thế, các loại pin AA và AAA hiện rất dễ mua, có thể tìm thấy ở mọi nơi.
Nhược điểm của các dòng chuột dùng pin AA/AAA là nếu sử dụng pin kém chất lượng, pin có thể chảy nước, và đặc biệt là cách thiết kế vị trí gắn pin của một số mẫu chuột có thể khiến nước chảy ra từ pin chạm đến bảng mạch gây hư hại bảng mạch (ví dụ? cũng lại là G304 luôn). Đây là lỗi chí mạng nhưng không quá nghiêm trọng, chỉ cần lưu ý sử dụng các loại pin chất lượng tốt là được.
Ngoài ra, các dòng chuột này cũng có kích thước và khối lượng nhỉnh hơn so với các dòng chuột sử dụng pin sạc liền. Trong trào lưu thiết kế chuột ngày càng nhẹ hơn, các dòng chuột sử dụng pin AA/AAA bị đánh giá thấp, thường chỉ xuất hiện trong phân khúc giá thấp/trung cấp. Nhưng ở góc độ người dùng, chúng tôi tin rằng pin rời là một giải pháp rất đáng tin cậy.
Các dòng chuột sử dụng pin sạc liền thường xuất hiện ở phân khúc trung cấp - cao cấp. Ưu điểm là thường có trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều, dây sạc đi kèm với chuột thường là loại dây mềm, có thể mềm đến mức không cảm thấy vướng víu khi vừa dùng vừa cắm sạc.
Nhược điểm lớn hiện tại của các dòng chuột này là thời lượng pin ngắn hơn so với dòng pin AA. Các mẫu chuột trung cấp có thể đạt thời lượng sử dụng khoảng 2 tuần (80 giờ), trong khi các mẫu chuột cao cấp trong điều kiện tần số quét cao có khi chỉ đạt thời lượng 5 ngày (30 giờ).
Theo các reviewer, trong năm 2024, mẫu chuột không dây pin sạc liền có thời lượng sử dụng tốt nhất là Logitech G Pro và Pulsar X2Hes - trong điều kiện tần số quét thấp, thời lượng pin có thể lên đến 1 tháng sử dụng.