Mục đích chính của việc rã hàn thay thế switch là khắc phục tình trạng switch lỗi/hỏng, mà dấu hiệu thường gặp nhất là bệnh double click. Double click là một bệnh thường gặp ở hầu hết các dòng chuột máy tính phổ thông, thông thường, nó xuất hiện rất ngẫu nhiên. Có thể bạn còn thời gian bảo hành, bạn đổi bảo hành, con chuột mới tinh lại xuất hiện lỗi double click. Điều này tạo nên một tâm lý nơm nớp lo sợ đối với những... người yêu chuột. Và với bài viết này, từ kinh nghiệm của chúng tôi, hy vọng rằng chúng ta sẽ giải quyết nỗi lo ấy, một lần và mãi mãi.

Vì sao chúng ta lại dùng một con chuột lâu đến như vậy?

Cảm giác sử dụng quen thuộc, gắn bó là một thói quen khó thay đổi. Khi bạn đã dùng một con chuột 2 - 3 năm, bạn sẽ cảm thấy rất ngại thay thế và “hình như” thị trường lúc này ít con chuột nào chiều được ý bạn về form cầm, cảm giác click, cảm giác di chuyển.

Vấn đề là không có con chuột nào bất tử, mọi con chuột switch cơ đều có ngày double click. Chuột switch quang có tỷ lệ double click và tuổi thọ cao hơn rất rất nhiều, nhưng một phần nào đó thị trường những... người yêu chuột có thể không thích switch quang, vì thực sự, switch cơ có cảm giác click dễ chịu hơn nhiều.

Tuổi thọ của chuột switch cơ giới hạn bởi số lần clicks của switch, mà switch kém nhất hiện nay trên thị trường cũng khoảng 10 triệu lần nhấn. Nhưng đối với một game thủ, 100 triệu lần nhấn chuột có lẽ không phải một con số quá khó trong vài năm.

Ngoài vấn đề tuổi thọ, bản thân sản phẩm chuột cũng có tỷ lệ lỗi nhất định. Tùy vào quy trình sản xuất, 1 dòng switch hoặc đơn giản có khi 1 lô hàng switch có thể có tỷ lệ lỗi cao hơn những lô hàng khác. Ví dụ đơn giản Omron là hãng switch danh tiếng, nhưng có rất nhiều dòng switch Omron khác nhau, và Omron sản xuất tại Nhật khác với Omron sản xuất tại Trung Quốc.

Thế nên con chuột lắp ráp tháng 8 năm ngoái với con chuột lắp ráp tháng 2 năm nay nó cũng khác nhau. Chỉ là chúng ta là người dùng, chúng ta sẽ không biết và cũng chẳng cần biết nhiều thế, và vậy là double click cứ thế... hên xui.

Việc đổi bảo hành cũng không chắc sẽ không double click, vì hoặc là hên xui, vì hoặc là thời gian, trước sau căn bệnh này sẽ lại gặp.

Vấn đề ở đây là chúng ta không thích thay thế con chuột yêu thích. Nó không được phép hỏng khi chúng ta còn thích nó, mà kể cả có không thích nữa thì cũng cho vào bộ sưu tập, thi thoảng lôi ra bấm vẫn phải nuột. Thế nên, chúng ta sẽ tìm cách giải quyết vấn đề này một lần và mãi mãi: hỏng đâu sửa đó, bắt đầu với việc rã hàn thay thế switch.

Liệu có còn cách khác để khắc phục vấn đề double click?

Việc rã hàn để thay switch chuột thực sự là phương án “một lần và mãi mãi”, nhưng nó rất tốn kém, phức tạp và mất thời gian.

Một trong những phương án có thể tạm thời giải quyết vấn đề double click là sử dụng bình xịt WD-40 xịt vào switch, có thể khắc phục được tình trạng double click. Nhưng đây là cách tạm thời, sử dụng khi switch bị ảnh hưởng do bụi bẩn hoặc gỉ bởi thời tiết ẩm. Nếu đã đến lúc switch hết tuổi thọ thì WD-40 cũng bó tay.

Những loại chuột nào dễ thay thế switch?

Những dòng chuột máy tính có thể thay thế switch dễ dàng là dòng chuột switch cơ. Các dòng chuột switch quang rất khó thay thế, dù ít gặp lỗi hơn, như đã nói trên, switch cơ có cảm giác bấm thoải mái hơn rất nhiều so với switch quang.

Khi bạn chọn mua chuột máy tính, nếu có ý tưởng thay thế switch sau này, bạn nên xem xét sản phẩm này là switch quang học hay switch cơ học (niêm yết tại trang thông số sản phẩm của hãng).

Điều này cũng không quá khó, bởi hầu hết các con chuột huyền thoại được cộng đồng yêu thích hoặc có mức giá phải chăng đều thuộc dòng chuột switch cơ: ví dụ Logitech G102, G304, G502, Pulsar đời đầu, Lamzu đời đầu, hầu hết chuột Fuhleh, Rapoo....

Ngoài ra, có các dòng chuột custom cao cấp thể loại DIY cho phép bạn không cần rã hàn, thoải mái chọn switch để thay thế, tháo lắp dễ dàng... cũng hầu hết sử dụng switch cơ.

Đồ cần chuẩn bị để rã hàn thay switch

Chi phí đồ đạc để có thể tự thay switch vào khoảng 1 - 2 triệu. Chi phí để ra tiệm thay khoảng 100k tiền công, con chuột xịn mới toanh giá khoảng 800k. Bạn nên cân nhắc trước khi tiếp tục lao theo bài viết này, chúng tôi không làm việc này vì hiệu quả kinh tế, chúng tôi làm vì... cố chấp thôi ^^!

Ok, nếu bạn cũng cố chấp như chúng tôi, thì dưới đây là danh sách đồ cần thiết...

Máy hàn thiếc mini - loại tương đối tốt khoảng 150k hàng xịn khoảng trên 800k, bạn chỉ nên chọn loại máy hàn mini kiểu cầm bút, vì mối hàn switch chuột khá nhỏ, các loại máy hàn dạng súng sẽ rất khó dùng. Theo tôi thì bút hàn Fnirsi là khởi đầu tốt với người mới vì nó dễ dùng, thuận tiện, đơn giản... Nếu bạn đã đạt level thợ hàn thì bỏ qua nhá ^^!.

🔸 Bộ bút hàn mini đầy đủ Fnirsi HS-02

🔸 Bộ đầu hàn thay thế dùng trong nhiều tình huống khác nhau của Fnirsi

Thiếc hàn - khoảng 75k/cuộn.

🔸 Thiếc hàn cuộn 100g kích thước 1mm, nhiệt độ tan chảy 180°C, có sẵn chất phụ hàn nhựa thông hàn thơm, mau dính... Hàng Nhật.

Nhựa thông - loại tốt khoảng 50k/hộp, nhưng khó dùng, đặc biệt với người mới, chúng tôi đề xuất loại nhựa hàn dạng keo bơm xi lanh bán sẵn, dùng tiện hơn nhiều, giá khoảng 30k/ống.

🔸 Mỡ hàn trong suốt không Halogen Ugain UG78 - dạng ống bơm cực dễ sử dụng

Pistol hút thiếc hàn - loại tốt khoảng 120k - 400k. Cái này rất nên đầu tư, vì nếu hút không đủ mạnh để hết cặn thiếc thì tháo hoặc rã hàn lại rất vất vả.

🔸 Thật ra đã chơi đến đây thì nên tìm Engineer SS-03 hàng Nhật chuẩn, nhưng cái đó xa xỉ quá, nên nếu không ưng cái đó, chúng ta dùng tạm cái này nhé...

Switch chuột - loại tốt giá khoảng 20k - 30k. Khi chọn switch để thay, số lần nhấn (20 triệu, 50 triệu, 60 triệu...) không quá quan trọng, vì nếu chúng ta đã xác định có thể rã hàn thay switch, chúng ta cứ loại switch nào bấm sướng mà thay thôi. Sang năm hỏng thay tiếp. Một vài cái tên rất nổi tiếng mà chúng tôi đề xuất là Huano Blue Shell Pink Dot, TTC Gold... Hoặc bạn có thể tùy chọn thông số switch mà bạn thích.

🔸 Switch chuột cơ Huano Blue Shell Pink Dot - nó vốn là huyền thoại.

🔸 Switch chuột cơ TTC Gold - chống bụi, tuổi thọ cực cao.

TTC Gold và Huano Blue Shell Pink Dot là 2 loại switch chuột cơ được cộng đồng yêu thích nhất xưa nay.
TTC Gold và Huano Blue Shell Pink Dot là 2 loại switch chuột cơ được cộng đồng yêu thích nhất xưa nay.

Con lăn encoder - nếu đã một công tháo chuột, các bạn cũng có thể tham khảo thay luôn con lăn encoder nếu cần. Nhưng mỗi chuột lại sử dụng một encoder khác nhau, do đó bạn cần tìm hiểu encoder trên mẫu chuột của mình.

Feet chuột - feet chuột là miếng “cao su” mềm mềm ở mặt dưới của chuột để giảm ma sát khi di chuột, cho trải nghiệm di chuột mượt mà (thực ra chất liệu là PTFE hoặc nhựa pha tạp chứ không phải cao su). Con ốc để tháo chuột thường bị feet chuột che đi do đó quá trình tháo chuột buộc phải cạy feet ra. Vấn đề là sau khi cậy, feet có thể mất dính hoặc cong vênh, dẫn đến khi di chuột sau này cảm giác gai gai rất khó chịu, vì vậy chúng ta cần có 1 bộ feet mới để dự phòng. Mỗi con chuột dùng một bộ feet khác nhau, bạn tìm kiếm bộ feet của chuột mình để mua nhé.

Quá trình rã hàn

Bạn đã đủ đồ? Trước khi triển khai trên con chuột mà bạn dùng, bạn nên thử rã hàn một vài con chuột cũ hỏng hoặc đồ điện tử cũ trước. Lý do vì rã hàn tháo switch là một việc rất khó khăn với người mới, có thể phải “trả giá” vài lần trước khi thực sự thành công.

Lý thuyết như sau:

Switch được gắn với bảng mạch bằng thiếc. Chúng ta sẽ sử dụng mỏ hàn nóng để làm tan chảy thiếc. Chúng ta sẽ dùng mỏ hàn ở khoảng 280 - 320°C.

Lưu ý tuyệt đối không sử dụng nhiệt độ cao hơn mức nhiệt này, dưới bảng mạch là rất nhiều mạch điện đồng, dẫn nhiệt tốt, nhiệt độ quá cao sẽ dẫn đến các thành phần linh kiện khác như cpu, điện trở, các thành phần nhạy cảm, có thể dẫn đến hư hỏng.

Thiếc hàn có nhiệt độ tan chảy chỉ ở mức 240°C. Nếu bạn dùng đến 300°C mà vẫn không làm tan chảy được mối hàn thì đây là do kỹ thuật rã hàn chưa đúng.

Vấn đề đối với người mới học rã hàn là lớp thiếc cũ của nhà sản xuất sau nhiều năm tháng đã bị oxy hóa bề mặt, dẫn nhiệt rất kém, nên xem bao nhiêu clip hướng dẫn xong, các bạn kê hẳn mỏ hàn 400°C vào mối thiếc nhưng nó không chảy, kê đến nóng cả bảng mạch nó cũng không chảy. Cách để giải quyết đoạn này các bạn phải “mồi” một ít thiếc mới vào. Thiếc mới sẽ truyền nhiệt vào mối thiếc cũ làm chảy mối thiếc cũ.

Thiếc dạng lỏng bám tại chân switch chúng ta sẽ lập tức hút ra bằng pistol. Lưu ý quan trọng, việc hút thiếc là việc cần kinh nghiệm, khéo tay và chính xác. Ngay khi thiếc đang nóng và lỏng nhất, kê pistol sát lại và bấm hút sạch thiếc thì việc tháo sẽ dễ dàng.

Nếu sau khi rã hàn hết các chân mà chưa rút được switch, tuyệt đối không dùng lực bẻ mà hãy hàn lại một lần, rồi rã hàn và hút lại thiếc... điều này sẽ giúp hút sạch cặn thiếc sâu trong mối hàn cũ.

Sau khi rã hàn và tháo switch cũ thành công, chúc mừng bạn đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Việc lắp switch mới lúc này hoàn toàn không khó, bạn tra một ít nhựa thông lên vùng mối hàn để đảm bảo thiếc hàn bám dính và bóng đẹp.