Đánh giá trải nghiệm Logitech G Pro X Superlight v2
Mục lục bài viết
Kế thừa thành công của phiên bản 1, Logitech ra mắt G Pro X Superlight v2, hiện đang là sản phẩm chuột chơi game phân khúc cao cấp của hãng, đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Logitech G Pro X Super Light v2 là sản phẩm thuộc phân khúc chuột chơi game siêu nhẹ cao cấp nhất của Logitech. Bởi phiên bản v1 quá thành công, sự ra mắt của phiên bản v2 thời điểm hiện tại (2025) đang tạo ra một làn sóng so sánh, khen chê... Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thông số kỹ thuật, và đánh giá sau quá trình trải nghiệm thực tế.
Thông số kỹ thuật cơ bản
Khoảng giá: phiên bản v1 hiện trên thị trường có giá khoảng 3.300.000 VNĐ.
Kích thước: dài 125 x rộng 63.5 x cao 40 (mm).
Switch: switch quang học.
Chất liệu: nhựa, thiết kế không lỗ.
Trọng lượng: nhẹ dưới 60 g - nhẹ hơn so với v1.
Cảm biến: HERO mới nhất 2025 độc quyền Logitech.
DPI: 100 - 44000.
Polling rate (tần số phản hồi): lên đến 8000 Hz (tối đa dưới 0.125 ms delay).
Pin: LiPo 290 mAh, pin sạc liền chuột.
Chế độ kết nối: không dây (adapter wifi 2.4) và cắm dây (usb type-C).
Đánh giá trải nghiệm thực tế
Vẫn như xưa, nếu chỉ nhìn thông số kỹ thuật so với tầm giá cũng... không ấn tượng lắm. Phiên bản v1 cũng vậy, và quá trình sử dụng/trải nghiệm thực tế đều đã khẳng định v1 và v2 là những sản phẩm xuất sắc.
Tuy nhiên, phiên bản v2 hiện gây rất nhiều tranh cãi và so sánh với v1, và trớ trêu là phe yêu thích v1... đang đông hơn.
Tần số phản hồi lên đến 8000 Hz
Nếu trong nhiều năm qua, Logitech vốn không quá quan tâm đến tần số phản hồi, thì nay, trên phiên bản G Pro X Superlight 2, hãng đã đón đầu trào lưu mới với tần số phản hồi cực cao - 8000 Hz.
Trên trang thông tin sản phẩm của hãng, có một dòng lưu ý: để đạt được 8000 Hz cần cài đặt phần mềm G Hub, nhưng thực tế không cần thiết phải vậy. G Hub hoặc Onboard Memory Manager cần để cài đặt các thông số chuột (vì trên chuột không có các phím để cài thông số), khi đã cài xong và ghi thông tin vào bộ nhớ chuột, bạn có thể không cần phần mềm nữa.
Có một nghịch lý cực lớn trên G Pro X Superlight 2 là... 8000 Hz có thể đạt được với chế độ không dây. Tuy nhiên, khi cắm dây, polling rate tối đa lại chỉ có thể đạt... 1000 Hz. Đây là một điểm hiện gây rất nhiều tranh cãi, khi cách làm này của Logitech hoàn toàn ngược lại với toàn bộ thị trường. Hầu hết các hãng khác cho tần số phản hồi tối đa trong chế độ cắm dây, và giới hạn tần số phản hồi của chế độ không dây (nhằm tiết kiệm pin).
Nếu như bạn không quá quan tâm đến tần số phản hồi cao, muốn cài đặt thấp để sử dụng thông thường, giữ pin lâu, sản phẩm cũng cho phép bạn cài đặt các mức polling rate thấp hơn như 125 Hz, 250 Hz và 500 Hz...
Logitech luôn đem lại bất ngờ. Nếu vấn đề polling rate khi cắm dây và không dây là một điểm hài hước đang gây tranh cãi, thì thiết kế của G Pro X Superlight cũng được bù lại một điểm vô cùng ấn tượng đáng khen ngợi là, dongle không dây 8k của Logitech cực kỳ nhỏ gọn. Chỉ bằng cỡ một adapter kết nối không dây thông thường. Tôi không thể hiểu vì sao họ có thể làm được như vậy... Nếu bạn đã thấy dongle CHỈ 4k của nhiều nhà sản xuất khác to bằng cỡ bao diêm, bạn cũng sẽ thắc mắc như tôi vậy: nhanh gấp đôi nhưng nhỏ bằng 1/10. Kích thước adapter nhỏ gọn này cho phép người dùng không cần tháo khỏi laptop khi cần di chuyển, không vướng víu, rất thuận tiện.
👉 Nếu đã trót yêu, các bạn có thể tìm thấy sản phẩm tại đây nhé: G Pro X Superlight v2
Thời lượng pin xuất sắc
Phiên bản v1 của G Pro X Superlight từng được biết đến là một trong những con chuột có thời lượng pin lỳ nhất trong phân khúc chuột chơi game cao cấp, thì nay trên v2, thời lượng pin tiếp tục được hãng nâng cao thêm với niêm yết 95 giờ, tăng hơn 20 giờ so với phiên bản v1.
Logitech luôn gây bất ngờ và ấn tượng mạnh với tôi về thời lượng pin. Lần trước, khi tháo và tìm hiểu phiên bản v1, tôi bất ngờ vì pin v1 là loại 240 mAh, và sau vài năm phát triển, nay, phiên bản v2 có dung lượng pin lên đến... 290 mAh.
Nếu chỉ so sánh dung lượng về số liệu, cải thiện này quá nhỏ (khi mà nhiều hãng khác đang dùng pin 500 - 800 mAh cho chuột cùng phân khúc). Nhưng rõ ràng Logitech có công nghệ tối ưu thời lượng pin cực kỳ xuất sắc khi thời lượng sử dụng của các sản phẩm của họ luôn là hàng đầu.
Trong thử nghiệm của chúng tôi, thời lượng 96 giờ có thể đạt được với mức polling rate khoảng 1000 Hz.
Nếu dùng tần số phản hồi 8000 Hz, thời lượng chơi game tối đa là khoảng 15 giờ.
Trong điều kiện sử dụng tần số phản hồi thấp (250 Hz) cho các công việc văn phòng, sử dụng phổ thông hàng ngày khoảng 8 giờ/ngày, sản phẩm có thể đạt thời gian sử dụng gần 1 tháng không cần sạc. Tính năng ngủ khi không sử dụng được lập trình chính xác, vận hành tốt, đảm bảo thời lượng pin xuất sắc... Trong toàn bộ thời gian sử dụng thử nghiệm, chúng tôi hoàn toàn không cần tắt chuột khi không dùng.
Dây usb đi cùng với sản phẩm là loại dây mềm, rất thoải mái khi vừa cắm sạc vừa sử dụng, nhẹ nhàng không tạo cảm giác cấn/vướng.
Thiết kế xuất sắc
Sản phẩm của nhà Logitech luôn luôn mang một ngôn ngữ thiết kế tinh giản, thông minh rất độc đáo so với thị trường. G Pro X Super Light 2 được thiết kế hoàn hảo, build chắc chắn, cân xứng (cho cả người dùng chuột tay trái và tay phải), chất lượng hoàn thiện tốt, thẩm mỹ, thiết kế không lỗ.
Phiên bản v2 không khác biệt quá nhiều với phiên bản v1 về ngoại hình.
Một trong những điểm tôi thích nhất của thiết kế cả 2 phiên bản là có khoang cất adapter wifi - một linh kiện nhỏ bé, nhạy cảm rất dễ mất. Logitech luôn trang bị khoang cho adapter wifi trên sản phẩm của mình, trong khi hầu hết các hãng khác không làm điều này trên các dòng sản phẩm chuột cao cấp của họ. Có lẽ G Pro X Super Light không phải con chuột siêu nhẹ như các siêu phẩm khác trong cùng tầm giá, nhưng nó vô cùng tiện nghi.
Luôn sẵn linh kiện thay thế
Cùng với tiếng tăm của Logitech tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sửa chữa, thay thế linh kiện cũng rất sẵn sàng, ngoài ra là hệ sinh thái hỗ trợ tuyệt vời như griptape, feet chuột... phong phú cho người dùng thoải mái lựa chọn, từ những sản phẩm phổ thông cho đến những sản phẩm cao cấp như feet chuột thủy tinh, griptape cao cấp...
So với các hãng nổi tiếng khác như Lamzu, Pulsar, Glorious... phụ kiện cao cấp như feet thủy tinh không phải thời điểm nào cũng có. Nhưng riêng phụ kiện cho Logitech thì lúc nào cũng sẵn.
Với chất lượng hoàn thiện tốt, chế độ bảo hành tuyệt vời, hệ sinh thái linh kiện phong phú, các sản phẩm Logitech nhiều năm qua luôn là điểm đến đáng tin cậy. Nếu bạn đang tìm kiếm một sản phẩm chuột không dây cao cấp cho trải nghiệm tốt, Logitech G Pro Super Light v1 hoặc v2 là một lựa chọn an toàn.
Không có nút chuyển đổi DPI
Vẫn giống như phiên bản v1, Logitech G Pro X Superlight 2 có 5 chế độ DPI, với dải DPI tích hợp sẵn lần lượt là 800 - 1200 - 1600 - 2400 - 3200... Người dùng có thể thay đổi cài đặt DPI này trong phần mềm Logitech G Hub, phần mềm cho phép bạn tùy chỉnh mức DPI số lẻ xuống đến 50 đơn vị (ví dụ, bạn được phép cài đặt DPI 1050, 1150, 1250... cho con số sát nhất với cảm giác thoải mái của bạn).
Logitech G Hub cũng cho phép người dùng gán rất nhiều macro khác nhau lên chuột.
Tuy nhiên, một nhược điểm rất chí mạng là... G Pro X Superlight không có nút chuyển đổi DPI, và DPI gốc là 1600. Nghĩa là ngay từ khi mua về và sử dụng, nếu không cài G Hub thì bạn chỉ có thể dùng mức 1600 DPI, không có cách nào thay đổi. Kể cả khi đã cài G Hub, bạn cũng phải chờ phần mềm khởi động xong thì mới có DPI bạn đã cài trong phần mềm, còn khi phần mềm này chưa khởi tạo (ví dụ ở màn hình đăng nhập vào máy tính), DPI vẫn là mức 1600 như thông số gốc.
Muốn ghi thông số DPI vào bộ nhớ chuột, phải can thiệp các cài đặt trong G Hub, mà với giao diện hiện tại của phần mềm, việc này hơi... rắc rối khó hiểu.
G Hub, không rõ nguyên nhân, cũng là một trong những phần mềm bị cộng đồng người dùng phê bình khá nhiều. Không hiếm trường hợp, G Hub bỗng dưng lag và chuột ngừng phản hồi. Không cài thì không lag, nhưng cài thì thi thoảng lại giật chuột. Điều này cũng hoàn toàn không hề liên quan đến cấu hình máy tính, máy nào cũng vậy thôi, sau một thời gian dài sử dụng, với nhiều phần mềm tiện ích cùng hoạt động, tình trạng này vẫn thường xảy ra.
Hiện tại, có một phiên bản mini của phần mềm cho phép người dùng can thiệp vào cài đặt của chuột được yêu thích hơn nhiều, đó là Onboard Memory Manager (tên cũ: GPX Manager). Về chức năng, phần mềm này đầy đủ toàn bộ các tính năng của G Hub, nhưng nhẹ, không cần cài, không lag và đầy đủ tùy chỉnh chuột.
🔸 Link tải Logitech G Hub
🔸 Link tải Onboard Memory Manager
Switch quang
Một trong những điểm gây tranh cãi lớn nhất trong lần ra mắt này là việc từ bỏ switch cơ để trang bị switch quang học cho G Pro X Superlight 2.
Cộng đồng nghiện chuột đa số lâu nay vốn ưu ái switch cơ, không hào hứng với thay đổi này. Phải nói thêm rằng form của G Pro X Superlight vốn to hơn các con chuột khác, khiến tổng trọng lượng 60 - 63 gram vẫn có cảm giác nhẹ hơn... Nhưng điều này khiến kết cấu chuột có nhiều khoang rỗng hơn. Khoang rỗng này khiến tiếng click switch quang vốn ồn và khó chịu trên nhiều sản phẩm khác, nay thậm chí còn vang vọng ngân nga hơn trên G Pro X Superlight 2. Tôi thật sự rất tiếc phải kết luận rằng (ý kiến cá nhân), trải nghiệm click của G Pro X Superlight 2 là tệ nhất đối với tôi.
Tuy nhiên, vừa là tín đồ của chuột gaming cao cấp và bàn phím cơ, hiện chúng tôi đang ấp ủ ý tưởng... lót foam để giảm tiếng ồn cho các dòng chuột gaming. Về cơ bản, nếu rỗng như G Pro X thì hiển nhiên là dễ vừa foam hơn, khả năng khắc phục tiếng ồn tốt hơn. Review chi tiết về quá trình thử nghiệm sẽ được cập nhật sớm nhất, với hy vọng cải thiện hoàn toàn vấn đề tiếng ồn click của tất cả các dòng sản phẩm switch quang.