Đánh giá trải nghiệm Pulsar X2H eS
Mục lục bài viết
Pulsar X2Hes là một sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp của Pulsar, nhắm đến đối tượng game thủ thi đấu chuyên nghiệp, với thiết kế và những tính năng rất thú vị.
Thông số kỹ thuật cơ bản
Pulsar X2H (v2) es: nằm trong phân khúc chuột không dây cao cấp, giá khoảng 3.700.000 VNĐ - trên 4M tùy phiên bản.
Chất liệu vỏ: nhựa, thiết kế không lỗ.
Trọng lượng: nhẹ - 65 g.
Switch: quang học.
Encoder: Pulsar, chống bụi.
Tần số phản hồi: tối đa 4000 Hz không dây, 8000 Hz khi cắm dây.
Pin: 500 mAh, thời gian sử dụng 70 - 100 giờ.
Cảm biến: Pixart PAW3395, DPI tối đa 12800.
Chế độ kết nối: không dây wifi (adapter wifi) và cắm dây usb type-c.
Đặc biệt: màn hình oled để tùy chỉnh thông số ở mặt dưới, không cần phần mềm (và cũng không có phần mềm).
Đánh giá và trải nghiệm tuyệt vời
Nếu chỉ nhìn qua thông số, thực sự Pulsar X2H eS có vẻ... hơi bình thường. Nó không phải con chuột nhẹ nhất, pin chỉ 500 mAh, tần số phản hồi 4000 - 8000 Hz cũng chỉ có thể xem là một đòi hỏi phải có trong tầm giá này.
Nhưng qua trải nghiệm thực tế tôi kết luận đây là một con chuột phi thường.
Thứ nhất, Pulsar X2H eS KHÔNG CẦN PHẦN MỀM CÀI ĐẶT và cũng không cần driver. Nó được thiết kế để cắm là chạy. Toàn bộ thông số quan trọng như tần số phản hồi, DPI, và một số chi tiết quan trọng khác được tùy chỉnh ngay ở mặt dưới chuột thông qua màn hình oled và 2 phím chức năng. Với thiết kế này, bạn có thể mang chuột cắm vào bất cứ máy tính nào, tốc độ di chuột và các thao tác quen thuộc sẽ đi cùng với bạn, không cần bất cứ phần mềm hay cài đặt rắc rối nào.
Tôi đánh giá rất cao đặc điểm này... Trong nhiều năm qua, người dùng PC không ngừng phàn nàn khi họ dùng bàn phím/linh kiện Corsair phải cài phần mềm Corsair, dùng chuột Logitech phải cài phần mềm Logitech, dùng mainboard ASUS thì đôi khi máy tự cài phần mềm ASUS... và quá nhiều phần mềm khác... Thế nhưng, dù có cài đặt và cập nhật cẩn thận thế nào, không hiếm khoảnh khắc driver lỗi, phần mềm giật lag, bỗng dưng reset... thiết bị ngưng hoạt động. Điều tưởng chừng đơn giản như việc cắm là chạy nay đã được tích hợp trên... một con chuột xa xỉ.
Ưu điểm này được phát triển hướng đến những game thủ thi đấu chuyên nghiệp, cho phép họ mang con chuột yêu thích, quen thuộc đến phòng thi đấu mà không cần lo lắng về cài đặt.
Điểm tuyệt vời thứ hai của Pulsar X2H eS là thời lượng pin. Mặc dù nghe 500 mAh có vẻ... hơi bé, thực tế cho thấy thời lượng sử dụng của sản phẩm rất xuất sắc. Trong điều kiện polling rate 500 Hz và mức sử dụng văn phòng thông thường khoảng 8h/ngày, chúng tôi ghi nhận sản phẩm vẫn đủ pin sử dụng trong gần 1 tháng không cần sạc. Đưa ra một so sánh để dễ hình dung: Logitech G Pro Super Light là con chuột đình đám được khen ngợi về thời lượng pin trâu bò nhất nhì làng chuột thời 2022 - 2024, vẫn phải cắm sạc trước Pulsar X2H eS vài ngày trong cùng điều kiện sử dụng. Và trong các thử nghiệm đến thời điểm hiện tại, đây là con chuột không dây có thời lượng pin lỳ nhất mà chúng tôi từng test.
🔸 Nếu đã trót yêu, các bạn có thể tìm thấy sản phẩm tại đây nhé: Pulsar X2H eS v3
🔸 Phiên bản v4 đã về tại đây: Pulsar X2H eS v4
Điểm tuyệt vời thứ 3 là chất lượng build của Pulsar X2H eS đặc biệt chắc chắn, cuộn chuột kim loại với encoder chống bụi, vận hành rất chính xác. So với các dòng sản phẩm đời trước của hãng (như X2 v1, v2) có độ chắc chắn, hoàn thiện và chính xác cao hơn nhiều.
Cá nhân tôi không phải fan của polling rate cao, vì thực sự phải trên một cấu hình máy rất mạnh, chơi những tựa game FPS thi đấu tốc độ cao mới có thể nhận biết được phần nào sự khác biệt trong tần số phản hồi của chuột. Tôi luôn cho rằng với chuột không dây, tần số phản hồi cao cũng đồng nghĩa với việc hết pin nhanh, mau chai pin. TUY NHIÊN, Pulsar X2H eS cho đến 8000 Hz khi cắm dây usb là một điểm khá thú vị đã... ép tôi - một người không thích polling rate - phải trải nghiệm polling rate max. Dây kết nối được hãng làm rất mềm, không có cảm giác vướng víu, nặng tay, rất thoải mái. 8000 Hz polling rate chỉ khả dụng khi cắm dây, khi rút dây, chuột sẽ tự chuyển về mức phản hồi mà bạn đã cài đặt trước đó. Điều này cũng hoàn toàn loại bỏ khả năng chuột của bạn hết pin nhanh nếu lỡ quên chỉnh lại.
Một vài điểm chê
Dù gì đây cũng là một review công tâm =)), đã lỡ khen X2H eS hơn cả G Pro thì cũng phải chỉ ra một vài điểm chê... lấy lệ. Rất may mắn, sau một thời gian sử dụng, tôi nhận thấy một vài điểm mà tôi có thể bắt lỗi.
Như đã nói trên, tôi không phải fan của polling rate cao. Tầm này đánh game ping còn chưa dưới 8 ms thì tôi cần gì con chuột 0.125 ms. Thực tế, khi sử dụng không dây cho công việc hàng ngày, không phải game, tôi muốn một mức polling rate thấp hơn để pin sử dụng được lâu hơn - khi nhu cầu không cần nhanh. Hầu hết các sản phẩm chuột không dây trung cấp/cao cấp khác đều có thể cài polling rate 100 - 200 - 250 Hz, NHƯNG PULSAR X2H eS KHÔNG CHO PHÉP ĐIỀU ĐÓ. Mức polling rate thấp nhất có thể cài trên chuột là 500 Hz. Đến nay tôi vẫn rất ấm ức về điều này, nếu 500 Hz mà tôi dùng được gần 1 tháng không cần sạc thì cài đặt 250 Hz có lẽ đã cho tôi được hẳn 2 tháng.
Điểm thứ 2, sản phẩm này dùng switch quang, không phải switch cơ. Switch quang bền và ít lỗi hơn switch cơ rất nhiều, nhưng người nghiện chuột tôi biết thì hầu như... đều thích switch cơ hơn. Lý do là trải nghiệm bấm nhẹ nhàng hơn, ít tiếng ồn hơn (mà có ồn thì nghe cũng phê hơn), cũng như về sau này dễ thay thế hơn, nhiều lựa chọn thay thế hơn.
Ngồi chơi game lúc nửa đêm yên tĩnh, đặt 2 switch quang với switch cơ cạnh nhau bấm sẽ thấy sự khác biệt là rất lớn, có khi một game bấm cả ngàn click mà lại là switch quang thì thực sự tra tấn thằng ngồi cạnh. Có khi nó nghe mình bấm nó cũng mất bình tĩnh mà feed rồi. Và nhất là, việc thay thế switch quang cũng rắc rối khó khăn hơn so với switch cơ nhiều, nếu lỡ như hết thời hạn bảo hành mà switch đột nhiên dở chứng.
Với cá nhân tôi, switch quang là đặc điểm khiến tôi phải dùng X2 v1 chơi game hàng ngày và chỉ dùng X2H eS ở văn phòng làm việc. Sau bao lời khen, cuối cùng tôi vẫn không chịu nổi tiếng switch quang.
Điểm thứ 3, X2H eS KHÔNG THỂ CÓ MACRO - đơn giản dễ hiểu thôi, không có phần mềm cài đặt thì cũng không có macro. Đây không hẳn là một nhược điểm, vì ý đồ thiết kế của sản phẩm là dành cho thi đấu thể thao điện tử (macro không được chấp nhận tại đây, bấm được thì nó là kỹ năng, macro bị coi là ăn gian). Tuy nhiên, macro lại là một nhu cầu quan trọng của game thủ phổ thông, có rất nhiều trò chơi giải trí cần có macro, hoặc khá nhiều thao tác công việc sẽ tiện nghi hơn rất nhiều với macro. Nếu bạn là một tín đồ của macro, X2H eS không có điều ấy.
Một vài thông tin thêm
Pulsar không đưa thông tin về loại switch quang được sử dụng trong Pulsar X2H eS, nhưng qua tìm hiểu và thông tin từ những người sưu tầm, sản phẩm này có thể sử dụng chung switch với Ninjutsu Sora bản 4K hoặc tìm switch của Raesha (từ khóa: Raesha Optical Switches). Loại switch của Sora 4K thiếu 1 chân so với X2H eS nhưng vẫn vận hành tốt, Raesha là loại chuẩn nhất.
Cảm biến Pixart PAW3395 có thể đạt 51200 DPI, nhưng trên X2H eS, DPI tối đa cho phép là 12800, dải DPI lần lượt là 400, 800, 1600, 3200, 6400 và 12800. Vì không có phần mềm nên đây là dải DPI cố định, người dùng không thể tùy chỉnh các thông số này.
Chế độ ngủ của X2H eS được lập trình rất chính xác và thông minh, dường như đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp thời lượng pin của chuột vô cùng ấn tượng. Trong toàn bộ thời gian sử dụng, tôi chưa từng tắt chuột.